Người Việt Nam ra tin rằng cái chết không phải là kết thúc. Sau khi chết, linh hồn của người đã khuất đi tới Âm phủ và tiếp tục cuộc sống với đầy đủ những sinh hoạt và nhu cầu như khi còn trên dương thế. Bởi thế mà người ta thường có câu “trần sao âm vậy”, ý rằng những hoạt động, sinh hoạt của con người khi còn sống ra sao thì khi mất đi cũng sẽ như thế. Và vì vậy, việc thờ cúng, về mặt tâm linh, có ý nghĩa là để người sống gửi tới cho người đã khuất – mà ở đây chính là tổ tiên, ông bà, cha mẹ và những người thân khác của mình – lễ vật, đồ ăn và nhiều thứ khác.
Mặt khác, quan trọng hơn là việc thờ cúng tổ tiên là để tưởng nhớ người đã khuất. Thờ cúng là cách để thông qua đó chúng ta thể hiện sự thành kính, biết ơn tổ tiên, ông bà, là cách để hướng về quá khứ và trân trọng những gì đã qua. Và như vậy, trong mỗi gia đình, việc thờ cúng còn là để giáo dục con trẻ về đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc.
Với những ý nghĩa như vậy, hoạt động thờ cúng đã gắn liền biết bao đời nay với tập quán sinh hoạt của người Việt Nam. Thờ cúng có thể rất đơn giản với việc chỉ cần một bàn thờ nhỏ với bát hương được thắp vào mỗi dịp giỗ chạp, đầu tháng hay ngày rằm; nhưng cũng có thể là hoạt động thường ngày với bàn thờ khang trang và nhiều vật phẩm, lễ vật.