Sơn Đồng cách trung tâm Hà Nội khoảng 20km theo hướng Tây bắc. Từ Bờ Hồ đi theo hướng Cửa Nam ra đường Trần Phú, Kim Mã, Cầu Giấy, thẳng lên quốc lộ 32 đến ngã tư Trôi. Từ ngã tư thị trấn Trạm Trôi đi vào khoảng gần 2km là du khách đã đặt chân tới làng nghề mỹ nghệ Sơn Đồng, nơi được coi là “thế giới” của những tượng Phật, đồ thờ. Nhìn khung cảnh của xã Sơn Đồng hôm nay sầm uất chẳng khác gì thị trấn ở phố huyện, với không khí nhộn nhịp, vội vã, các nhà hàng ăn uống, dịch vụ kinh doanh, biển hiệu công ty san sát hai bên đường.
1. Lịch sử làng nghề:
Làng nghề ở Sơn Đồng là làng nghề đục, khắc tượng và làm đồ thờ truyền thống, có lịch sử hình thành và tồn tại hàng trăm năm nay. Kỹ thuật sơn son thếp vàng tinh xảo tại đây được đánh giá cao. Thời Pháp thuộc, nhiều người thợ ở Sơn Đồng đã được Nhà nước bảo hộ và phong tặng danh hiệu nghệ nhân. Từ những gốc mít già xù xì, qua bàn tay tài hoa của những người thợ, nhiều pho tượng lớn nhỏ đã hình thành, chứa đựng tâm tư, tình cảm, sự tôn kính của người dân, gửi gắm những mong cầu cho cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Tương truyền, làng nghề Sơn Đồng đã hình thành và phát triển được hàng ngàn năm, kể từ khi nền văn hoá Phật giáo được truyền bá vào Việt Nam. Trong thời kỳ phong kiến, làng nghề có hàng trăm người thợ được phong Tước bá hộ kỹ nghệ (nay gọi là nghệ nhân). Các dấu ấn vật thể 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội đều có đôi bàn tay tài hoa của người nghệ nhân Sơn Đồng tham gia như Văn miếu Quốc Tử Giám, Khuê Văn Các, đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc, chùa Một Cột...
Làng nghề mỹ nghệ Sơn Đồng từng bị mai một vào những năm kháng chiến chống Mỹ và thời kỳ bao cấp, nhưng sau đó đã được các nghệ nhân Nguyễn Chí Dậu và Nguyễn Đức Cường khôi phục vào năm 1983. Cụ Nguyễn Chí Dậu, nghệ nhân từ thời thuộc Pháp đã quyết định khôi phục nghề truyền thống bằng việc đứng ra tổ chức lớp học nghề chạm khắc gỗ và sơn mài, cốt là để truyền nghề cho con cháu. Hơn 30 học viên ngày đó, bây giờ đã trở thành những người thợ giỏi, chủ cơ sở sản xuất lớn trong làng và đang tiếp tục truyền nghề cho thế hệ trẻ. Đến nay, việc truyền nghề của làng chủ yếu là gia truyền, truyền nghề trực tiếp, cha truyền cho con, con truyền cho cháu, cứ thế nối tiếp thế hệ trước cho thế hệ sau mà không có tư liệu ghi chép. Trải qua những thăng trầm để tồn tại một làng nghề nghìn năm tuổi, ngày nay, người dân Sơn Đồng đã lấy ngày 6 tháng 2 âm lịch hàng năm là ngày hội làng, con cháu ở khắp nơi về sum họp, tế lễ thành hoàng làng.
Hiện nay, cả xã có hơn 4.000 lao động làm nghề thủ công mỹ nghệ thường xuyên, trong đó có đến hơn một nửa là thợ giỏi và nhiều thợ giỏi được tôn vinh, phong danh hiệu nghệ nhân. Sản phẩm của Làng nghề mỹ nghệ Sơn Đồng chiếm khoảng trên 50% thị phần toàn quốc về tượng và đồ thờ sơn son thếp vàng, thếp bạc phủ màu hoàng kim, phục vụ mảng đời sống văn hoá tâm linh, tín ngưỡng của người dân. Điều đáng nói là khách hàng cần đặt làm bất cứ pho tượng thờ nào thì người thợ nơi đây đều làm được ngay mà không cần mẫu sinh kề (mẫu có sẵn). Các pho tượng đều trở nên có hồn qua đôi bàn tay khéo léo của người thợ. Để làm được điều đó, đòi hỏi người thợ phải có kinh nghiệm, hiểu được các điển tích, tính cách, chức vụ, vị trí của từng pho tượng trong tâm thức để rồi thổi hồn vào các tác phẩm.
2. Quy trình chế tác và sản phẩm
Về quy trình chế tác, ngoài công thức chung kế thừa của cha ông thì mỗi nghệ nhân ở Sơn Đồng cũng có những thủ pháp, những bí truyền với cách phân, quân tỷ lệ không hoàn toàn giống nhau. Chẳng hạn một nghệ nhân khi đục pho tượng Phật bà Quan Âm ngồi thường là đục bốn diện (khuôn mặt tính từ chân tóc tới cằm gọi là “mặt diện”. Trong giải phẫu tạo hình hiện đại gọi là “một đầu”). Nhưng cũng có khi Phật ngồi chỉ có ba diện rưỡi, hoặc bốn diện rưỡi. Cũng có khi làm một pho tượng đứng phải “dựng” tới bảy diện. Điểm chung giữa các nghệ nhân khi làm tượng là đều lấy diện (bằng một đầu) làm chuẩn để tính tỷ lệ. Tỷ lệ tượng ngồi bằng bốn diện và tượng đứng bằng bảy diện. Ngoài ra, về chiều cao thân tượng thì phải tuân thủ theo một số công thức sau: rộng vai tượng: từ 2 đến 4 diện; dài tay: 3 diện; bề dày thân từ 1,5 đến 2 diện. Công thức đó có xê dịch tùy theo tượng béo hay gầy, tượng nam hay nữ (tượng béo có độ dày thân tượng cao, tượng nam vai rộng hơn tượng nữ...).
Việc đục tượng bao giờ cũng bắt đầu từ việc chọn gỗ. Nguyên liệu để làm tượng Phật phổ biến là gỗ mít, làm đồ thờ có thêm gỗ dổi, gỗ vàng tâm. Gỗ mít có đặc tính dẻo, mềm, thớ dặm, nhờ đó tránh được những sơ suất trong khi đục. Gỗ mít còn có độ bền cao, ít nứt, dễ gọt. Người dân Sơn Đồng phải mua nguồn gỗ mít từ các tỉnh như Phú Thọ, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An... Gỗ chở về loại bỏ hết phần giác, chỉ dùng lõi để đục. Sau đó, người thợ dùng dây đo thể tích để cắt phần gỗ: chiều cao, chiều ngang và bề dày (kích thước của một khối hình), rồi đến cắt “dưỡng” - hình mẫu cắt theo “công tua” hai chiều: chiều nghiêng (nhìn mặt bên tượng) và chiều đứng (nhìn chính diện). Phần gia công đầu tiên là đầu và mặt tượng. Đục phác thảo những khối mũ (nếu có) rồi trán, mũi, môi, tai... Trên khuôn mặt tượng, người thợ cũng phân chia từng mảng, diện như khoảng cách giữa hai con mắt, từ chân tóc tới chân mày, chiều dài sống mũi, bề rộng cánh mũi, khoảng cách giữa môi trên và môi dưới, từ môi dưới tới cằm, độ dày của môi... Điểm nhãn là phần khó và quan trọng nhất trên khuôn mặt tượng. Đối với tượng Phật, đặc biệt còn có tai Phật, phải tính đặt cân đối hợp lý trong khoảng cách từ chân tóc (2 bên đầu) tới cằm. Sau khi đục phác lấy dáng chung một lượt suốt từ diện tới bệ, đến khâu đục chi tiết, người thợ cũng thể hiện dần từng bộ phận. Khâu này được coi là quan trọng nhất trong cả quá trình hoàn thành pho tượng. Cuối cùng là khâu gọt, nạo, rồi đánh giấy ráp cho nhẵn. Trong khi gọt, người thợ dùng loại đục dẹt, mỏng để tách các chi tiết, sao cho các mảng các khối (chân tay và các ngón) khỏi “dính” vào nhau, nhất là phải thể hiện kỹ các đường lượn, mảng miếng. Gọt nạo là khâu hoàn chỉnh phần gỗ trước khi chuyển sang phần sơn.
Kỹ thuật sơn son thếp vàng tượng cũng kỳ công như nghệ thuật làm vóc sơn mài. Đầu tiên “hom” tượng bằng sơn trộn đất phù sa (tỷ lệ sao cho không được non sơn, cũng không được già quá) rồi “bó” bằng sơn sống rồi sơn “thí”. Sau mỗi công đoạn đều phải mài tượng bằng đá và nước. Sơn lên rồi lại mài đi, rồi lại sơn lên..., cứ thế, bao giờ thấy bề mặt tượng phẳng nhẵn và mọng lên thì dùng một lớp sơn (gọi là sơn cầm thếp) phủ lên. Để sơn cầm thếp se (sờ tay thấy còn hơi dính) thì dán bạc hoặc dán vàng (bạc, vàng quỳ) tùy theo yêu cầu của khách. Quỳ là một loại bột từ vàng, bạc miết trên một tờ giấy mỏng (giấy quỳ). Người ta đem những lá vàng, lá bạc (loại cao tuổi) dát mỏng cắt thành những mảnh vuông, xếp vào giữa những tờ giấy, rồi dùng búa nện đều cho đến khi vàng tan thành bột. Vàng, bạc, quỳ được các nghệ nhân Sơn Đồng mua về từ làng dát vàng, bạc Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm – Hà Nội, nơi duy nhất trong cả nước còn làm nghề này. Dát vàng bạc ở Kiêu Kỵ đã có lịch sử mấy trăm năm, do tổ nghề của làng là danh nhân Nguyễn Quý Trị (quan thời Cảnh Hưng), do đi sứ Trung Quốc, học được nghề và về truyền dạy. Các sản phẩm gỗ dát vàng được tạo qua 14 công đoạn như: đập bóc giấy, lướt quỳ mới, đập giấy vỡ, cắt dòng nong quỳ… Mỗi công đoạn đó lại có nhiều khâu nhỏ hơn, tính tổng lên tới hơn 40 công đoạn lớn nhỏ khác nhau để cho ra thành phẩm, do đó đòi hỏi người thợ sự kiên trì, tỉ mỉ với những thao tác kỹ thuật cao. Làm tượng là khó nhất, người thợ phải thổi được hồn vào pho tượng, nhìn có dáng, khách trông thấy là nhận ra ngay là ông tượng nào… Người dân Sơn Đồng từ trẻ đến già đều có lòng thành kính với các pho tượng Phật, đều gọi tượng là Ông, là Ngài.
Thành quả mà những người thợ Sơn Đồng thu được sau bao ngày đêm miệt mài bên xưởng gỗ là tiếng thơm không chỉ vang danh khắp mọi miền tổ quốc, mà còn vang xa tới nhiều quốc gia trên thế giới. Nhắc đến tượng Phật là người ta nghĩ ngay đến Sơn Đồng. Với đôi bàn tay tài hoa, những người thợ làng Sơn Đồng đã cho ra đời nhiều tác phẩm nghệ thuật đòi hỏi độ tinh xảo cao như bức tượng Phật bà nghìn tay, nghìn mắt, tượng ông Thiện, ông Ác, tượng La Hán, kiệu bát cống... Đi đến đâu trong cả nước, du khách đều có thể bắt gặp các tượng thờ do người thợ Sơn Đồng chế tác.
3. Nghệ nhân và cơ sở sản xuất
Về Sơn Đồng hôm nay, du khách sẽ được tận mắt chứng kiến quy trình chế tác tượng và được hòa mình trong bản “bản nhạc” làng nghề với tiếng lách cách của người thợ đục tượng, tiếng máy cưa xoèn xoẹt âm vang khắp ngõ xóm. Quả thực, khi được chứng kiến thì mới thấy hết nỗi vất vả, khó nhọc của người thợ, khi mỗi tác phẩm nghệ thuật hoàn thành đều ẩn chứa trong đó mồ hôi, trí tuệ của những người thợ chân đất. Nhiều người dân Sơn Đồng hôm nay phải thốt lên rằng, chính cái nghề mấy trăm năm tuổi của cha ông đã giúp họ làm giàu, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động, trong khi đồng đất đang bị thu hẹp bởi tốc độ đô thị hóa cao. Bà con vẫn thầm cảm ơn các nghệ nhân đã góp phần khôi phục làng nghề, có những hộ làm nghề từ nhiều đời nay đã viết tiếp trang sử làng nghề Sơn Đồng mà người ta không thể không nhắc tới như nghệ nhân Nguyễn Viết Thạc, Nguyễn Bá Khẩn, Trần Quang Khang… Có những người thợ năm xưa nay đã trở thành những ông chủ xưởng lớn của làng, với 3 xưởng sản xuất, hoạt động quanh năm lúc nào cũng có từ 40 - 50 thợ làm thuê, đáng kể như các ông Nguyễn Chí Quảng, Nguyễn Chí Dũng, Trần Đình Cường, Đại Lộc,… Đến nay, cả xã có hơn 5 hộ thành lập công ty để xúc tiến thương mại, ký kết với khách hàng trong và ngoài nước. Trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, nhiều người thợ Sơn Đồng còn làm cả tượng chân dung, tượng mỹ nghệ để xuất khẩu, đáp ứng nhu cầu của các đối tác nước ngoài. Không ít Việt kiều sau khi đến tham quan làng nghề Sơn Đồng đã đặt hàng, thậm chí còn mời những người thợ ra nước ngoài làm tượng trong các đình, chùa phục vụ cộng đồng người Việt ở đó. Giờ đây, giá trị của những bức tượng được nâng lên hơn trước rất nhiều, có một số bức tượng khách hàng đặt mua tới hang trăm triệu đồng.
Cụ Nguyễn Đức Dậu (1896-1988) là người có công khôi phục nghề tạc tượng Sơn Đồng sau nhiều năm thăng trầm. Với tay nghề giỏi, cụ Dậu từng được người Pháp tôn vinh và tặng “đồng tiền vàng” tại Hội đấu xảo. Năm 1986, cụ Dậu mở lớp dạy nghề cho hơn 30 thợ trẻ trong làng. Từ đó, hơn 30 thợ nghề dần trưởng thành và tiếp tục truyền nghề cho các lớp thợ trẻ hiện nay...
Mức thu nhập của thợ tùy theo tay nghề, thợ đánh giấy ráp, bào có lương 120 - 150 ngàn đồng/ngày, thợ chạm khắc có lương tới 500 - 600 ngàn đồng/ngày. Không chỉ làm nghề tại xã, nhiều hộ gia đình còn nhận thầu các hợp đồng xây dựng và thiết kế đền, chùa tại Vân Đồn (Quảng Ninh), sửa chữa chùa tại Huế, TPHCM...
Theo định hướng những năm tới, xã Sơn Đồng xác định nghề tạc đồ thờ là hướng phát triển kinh tế chính. Hiệp hội Làng nghề Sơn Đồng được thành lập năm 2009, thu hút 11/11 chi hội tại các thôn. Bên cạnh việc hỗ trợ thông tin về thị trường, nguồn vốn, hiệp hội còn tổ chức các lớp học nghề cho thanh niên địa phương.
Cơ sở sản xuất đồ thờ Khánh Sang: do anh Nguyễn Khánh Sang làm chủ. Cơ sở thường nhận được các đơn hàng ở Bắc Ninh, Thanh Hoá, Nghệ An. Kỹ thuật tạc tượng ông, tượng ngài tuyệt đối không được có nét hài (hài hước), mà phải là nét hiền từ, đôn hậu, trang nghiêm, có chiều sâu nội tâm. Người thợ cần am hiểu sự tích liên quan đến nhân vật hoá thân vào tượng.
Cơ sở Đồ thờ tượng Phật Đại Lộc: Là cơ sở có tiếng làm đồ thờ, tượng Phật hàng đầu tại làng nghề truyền thống Sơn Đồng. Nhiều năm qua, cơ sở của anh Hồng đã và đang là nơi giữ gìn và phát triển những tinh hoa văn hóa trong nghệ thuật điêu khắc của làng nghề. Tại đây, các nghệ nhân luôn tỉ mỉ, nhiệt huyết trong việc “thổi hồn” vào từng sản phẩm đồ thờ , tượng Phật của dòng họ và mang đi giới thiệu với bạn bè quốc tế như một nét đẹp trong văn hóa truyền thống của người Việt Nam… Quan điểm của ông chủ cơ sở này là: Muốn tạo nên những sản phẩm độc đáo tinh khôi, điều đầu tiên phải kể đến phẩm hạnh của những người thợ bởi đây là yếu tố hết sức quan trọng trong chế tác đồ thờ. Nó thể hiện sự cầu toàn, tỉ mỉ, và mong muốn dâng cho đời nhiều sản phẩm nghệ thuật có giá trị nhất là trong việc thể hiện các chữ trên đồ thờ được ghi bằng chữ Hán – Nôm. Đây là yêu cầu rất quan trọng, sản phẩm vừa phải đẹp, đúng nghĩa, nếu thể hiện sai nét chữ của tác phẩm linh thiêng là điều cấm kỵ. Hi vọng chiếm trọn lòng tin của quý khách hàng, cơ sở đồ thờ, tượng Phật Đại Lộc còn đặc biệt chú trọng tới “dấu ấn” riêng cho từng sản phẩm. Đến với cơ sở này, quý khách hàng không chỉ có cơ hội tận mắt chứng kiến nhiều sản phẩm bắt mắt, tâm linh mà quý vị còn có cơ hội chứng kiến sự miệt mài, hăng say “tăng gia sản xuất” của những người thợ “bén duyên với nghề”… Luôn được mọi người ghi nhận là một nghệ nhân giỏi, người thợ tinh tế, nghệ nhân Đại Lộc còn được nhắc tới nhiều hơn như một cái tên “có tiếng” trong việc tạo công ăn việc làm cho nhiều người thợ, thanh niên tài năng trong làng. Đây là một trong những địa chỉ tin cậy cho khách hang muốn đặt làm tượng Phật, đồ thờ.
Bằng bàn tay và khối óc tài hoa, với quan niệm “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, những người thợ đục, khắc tượng và làm đồ thờ ở Sơn Đồng đã làm giàu, làm đẹp cho quê hương và gia đình. Năm 2007, sách Kỷ lục Việt Nam đã ghi danh Sơn Đồng là “Làng nghề tạc tượng và đồ thờ phụng Phật giáo lớn nhất Việt Nam”. Danh tiếng đã vang xa, dù còn đó những khó khăn, thách thức của thị trường, đòi hỏi mỗi người thợ nơi đây phải không ngừng cố gắng học hỏi nâng cao tay nghề, song, mỗi người dân Sơn Đồng hôm nay có quyền tự hào về một nghề truyền thống mà cha ông đã dày công gây dựng và truyền lại cho các thế hệ hôm nay.
Một Sơn Đồng hôm nay đang khởi sắc với những ngôi trường khang trang, những tòa nhà cao tầng, đường làng ngõ xóm khang trang, sạch sẽ, đời sống nhân dân ngày càng no ấm, các sản phẩm của làng nghề luôn ánh lên những sắc màu rực rỡ. Mỗi khi đến đây, tiếng đục, chạm lách cách xen lẫn với tiếng trẻ con, người già đang học chữ Hán cổ, những ký tự thổi hồn trong các sản phẩm đồ thờ của nghệ nhân nơi đây là những minh chứng cho sự phát triển của một làng nghề có truyền thống lâu đời.